You are currently viewing Muôn kiếp nhân sinh (Many Lives Many Times) – Nguyên Phong

Muôn kiếp nhân sinh (Many Lives Many Times) – Nguyên Phong

Một quyển sách bị quá kỳ vọng (đặt kỳ vọng lớn và hoá ra không đến thế) – hoặc có thể do mình đã đọc và hiểu nhiều hơn – về cơ bản thì sẽ tốt cho ai chưa bao giờ tiếp xúc với luật Nhân Quả & thuyết Luân Hồi. 

Nhưng nếu đã tìm hiểu qua thì quyển sách cũng không có đưa ra được 1 điều gì quá mới mẻ, chỉ là cấu tứ lại câu chuyện cho dễ đọc, dễ hiểu – mặc dù chuyện nhiều lúc bị cụt, và dường như luôn luôn còn quá nhiều góc mở, quá nhiều thứ nói nửa chừng và không giải quyết một cách triệt để.

Thuyết luân hồi và sự hướng thiện, hay quan điểm rằng con người cần phải học được bài học qua từng kiếp sống, hoặc nhiều kiếp sống để trở lên toàn tri – mục đích này chỉ được nói sơ qua, và không đi quá sâu. Tại sao lại phải học bài học qua các kiếp? Tại sao lại phải hướng đến sự biết toàn diện? Tại sao phải làm tất cả những điều đó?

Quy luật của con người, xã hội, và vũ trụ là Thành, Trụ, Hoại, Diệt – và không có điểm khởi đầu, hay kết thúc – tất cả là một quá trình liên tục không ngừng nghỉ. 

Sách khuyến khích cho việc con người cần có tình thương, cần học được bài học yêu thương & tử tế → nhưng để làm gì và tại sao? để xã hội tốt đẹp hơn? đúng thế! Rồi sao nữa? rồi tất cả mọi người đều sống trong hoà ái? Rồi sao??? → chẳng phải lại quay lại Thành Trụ Hoại Diệt hay sao? → mặc dù là theo đường xoắn trôn ốc, nhưng để làm gì? cuối cùng là gì? → sách không có nói kỹ đến, chỉ rất mơ hồ và mù mờ.

Việc nói rằng ăn thịt tạo nghiệp (con vật khi bị giết tạo ra năng lượng tiêu cực), nhưng khuyến khích ăn hoa quả, và lại nói rằng cỏ cây đá hoa cũng phải học bài học qua hàng triệu năm → phải chăng tự mâu thuẫn! Vì nói thế chẳng phải cỏ cây hoa lá cũng có linh hồn, khi bị ngắt ra bổ ra cũng tạo ra năng lượng tiêu cực? ăn chúng vào cũng là tạo nghiệp? Thế thì ăn làm gì? Không ăn thì chết? Ăn thì tạo nghiệp? → tạo thành 1 vòng luẩn quẩn???

Về cơ bản cả quyển sách có lẽ chỉ nên viết thành 1 truyện ngắn 20 trang chứ không phải bôi ra đến 400 trang như thế này. Điểm cộng là dễ đọc, phong cách viết của tác giả bình dị, thân thuộc, giống như là bác hàng xóm tốt bụng nhà bên sang kể chuyện, và rất đáng tin.

Sách thích hợp với người mới tiếp xúc với đạo Phật, hay luật Nhân Quả, Luân Hồi…về mức đột phá trong ý tưởng thì không có.

—– trích dẫn —

Nhân duyên có thể đến

Khi thức tỉnh thật tâm

Nhân quả có thể chuyển

Khi hành thiện mỗi ngày

Trí tuệ sẽ đổi thay

Khi chuyên tâm rèn luyện

Hậu vận ắt sẽ chuyển

Khi phục thiện lỗi lầm

Chừng nào chúng ta còn hy vọng về một tương lai tốt đẹp, thì tương lai đó sẽ diễn ra. Nếu chúng ta tuyệt vọng, và phó mặc cho mọi việc xảy ra, thì thật đáng tiếc.

Chúng ta học để biết rõ mình thật sự là ai. (tiến tới sự hiểu biết thật sự)

Mỗi cá nhân có những bài học riêng, nhưng nói chung tất cả đều phải học lại những bài học chưa hoàn thành, và khi học xong thì lại học những bài học lớn lao hơn.

Tất cả mọi vật đều phát xuất từ một nguồn gốc thiêng liêng và phải trở về với nguồn gốc đó – “vạn vật đồng nhất thể”. Ấn giáo và một số tôn giáo gọi nguồn gốc này bằng danh từ “Thượng Đế” – Phật Giáo gọi là Phật Tánh, và khoa học gọi là năng lượng uyên nguyên (primal energy)

[người giác ngộ?] Họ phải tiếp tục đi trên con đường hành động vì chỉ thông qua hành động họ mới có thể học hỏi, thay đổi để trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Họ có thể sống ở thành thị như mọi người nhưng phải biết cách thoát ra khỏi màn sương ảo ảnh của sự vô minh. Họ vẫn làm việc như mọi người, hành động như mọi người nhưng trong tâm đã biết xả ly, dứt bỏ mọi ràng buộc.

Họ không từ bỏ bổn phận của mình trong gia đình hay trong xã hội, nhưng họ hành động với một mục đích khác. Họ có thể giàu có, tài sản đầy nhà nhưng họ không thiết tha với nó. Họ coi mình như là người được uỷ thác quản lý tài sản đó chứ không phải là chủ nhân.

Những người này hành động vì quyền lợi chung chứ không phải vì mục đích ích kỷ của cá nhân. 

Nói cách khác, họ làm việc để giúp đời chứ không phải thu vén lợi ích cho riêng mình.

Karma bao gồm cả tư tưởng, lời nói, và hành động.

Làm sao nó có thể thương ai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương?…yêu…chưa yêu…? …thông cảm…đồng cảm bị thui chột.

Tình yêu thương thật sự không thể tạo ra đau khổ mà chỉ mang lại niềm vui. Nếu hy sinh mà gây ra sự chịu đựng, đau khổ thì đó là một cái gì đó khác chứ không phải là tình yêu thương chân thật.

Tĩnh tâm là sự phát triển trí thức, đạo đức và tâm linh để làm chủ tư tưởng và cảm xúc.

Sự ý thức được chính mình là quy luật căn bản cho mọi truyền thống tâm linh vì biết mình tức là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình.

Cảm giác đau đớn bắt nguồn từ trong tâm, và nếu giữ tâm tĩnh lặng thì cơn đau không thể ảnh hưởng được nữa.

Khi con người biết hành động với lương tâm và đạo đức thì bất cứ việc làm gì của họ cũng đều tốt đẹp.

Vui lòng đánh giá bài viết! Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]

Leave a Reply