[Lược trích từ “Toàn Chân Triết Luận” – Nguyễn Duy Cần, 1935)
********
Ta, là một điểm linh quan của Đạo. Linh quang ấy tuy đã thấy có chia ra phần tử, song nó vẫn sung mãn như một toàn thể hoàn toàn.
Đạo thì tự bản tự căn, vô hình vô thức, nên không có tính cách riêng; cho nên Đạo ở ngoài cái Tốt cái Xấu, cái Hay cái Dở, cái Phải cái Quấy, nghĩa là cái tuyệt đối. Đạo vẫn là cái Thể, mà cũng vừa là cái Tướng [Vừa tuyệt đối, vừa tương đối]
Cái Tâm ta là một lẽ vô cùng vô tận, mà nhốt chặt vào một cái tâm lý hạn định là Bản Ngã, rất là bẩn chật, bực bội lắm! Cái khổ vì đó mà sinh ra.
Tâm là Đạo.
Vì cái lợi của sự hòa mà Thánh Nhân nói thị hoặc nói phi, rồi đứng yên trong bánh xe tạo hóa, để mặc tình nó xoay hướng nào cũng phải.
Vạn vật xung quanh họ thảy là Một, không vật nào là vô tri không vật nào là vô giác.
Ta cũng vậy, ngày mà ta cho Vạn Vật xung quanh là khác nhau, thì vạn vật sẽ trở nên một thế giới đầy rẫy sự bí mật làm cho ta phải khủng khiếp. Những vấn đề triết lý quan trọng của nhân sinh nảy sinh trong tâm trí con người từ đây cốt để an ủi ta trong cái mê lầm của ngã chấp.
Ý thâu trữ [tích góp sở hữu] và ý từ bỏ [tách rời xã hội] thế gian, chẳng qua hai cái chứng của một tâm bệnh: tưởng lầm rằng mình là khác với Vạn Vật.
Tâm ta thì thường trụ, vô biên vô lượng, chỉ vì ta chấp lầm cái thân vô thường, cái hoàn cảnh tạm thời và giả dối làm sự thật, nên phải liệt mình nô lệ lấy hoàn cảnh.
Kẻ hoàn toàn, hành vi bao giờ cũng toàn mãn, vì hành vi ấy được kiêm vừa một phần hạn định vừa một lẽ vô cùng…
Theo quan niệm vô ngã thì vấn đề ấy [công bình] không có thật; Vạn Vật cùng ta là một. Kẻ sống theo quan niệm ấy không còn phân Nhĩ ngã [người-ta] nữa, nên không còn so đo hơn thiệt với nhau, vấn đề Công Bình đối với họ bấy giờ không còn nghĩa lý gì là thiết thực nữa.
Bản ngã đối với ta là một điều hại, nhưng nó là điều cần ích cho những kẻ còn bán khai… Cái vở bao cái trứng gà, thì rất cần ích cho con gà khi chưa nở, nhưng đến lúc nó nở được rồi, thì cái vỏ cứng lại là một điều hại nó, nó phải khẻ bể để thoát ra. Bản ngã của ta cũng không khác nào vỏ trứng gà, mà chân tính ta như con gà con, ở trong vậy.
Hành vi của Bản ngã là làm, mà không quan tâm đến toàn thể. Hành vi của Chân tính, thì không hề quên rằng mình là MỘT với Vạn Vật, và cứ thuận biến theo luôn luôn.
(Leo: Bản ngã = cái tôi; Cá tinh = thiên bẩm (hòa hợp với tính của tự nhiên); Chân tính = biết, ngộ, hiểu ta và đạo, làm theo cá tính và hiểu tại sao)
Cái khổ cũng là một thể. Ta có thể gọi rằng: chỉ có người khổ mà không có cái khổ.
Đạo không sinh Vạn Vật, Vạn Vật vẫn là cái hiện tướng của Đạo mà thôi. Đạo là Vô Vi, cho nên con người hễ toàn đức, toàn thiện thì tự nhiên sẽ có điều hay cho nhân loại. Hễ ta được đầy đủ rồi, tất nhiên phải xuất hiện cái hay đó một cách vô tâm.
Kẻ chí nhân giúp đời lấy cái tự nhiên mà giúp cái tự nhiên, không dụng cái nhân tạo mà giúp lẽ thiên nhiên bao giờ.
Kẻ tôn thần quyền, luôn luôn có ý tham, nhưng không dám tự nhận đó thôi… Trong cái ý tôn trọng ấy, có ẩn cái ý ham muốn ước ao vậy. Mà hễ có ý tôn cái nầy, thì tất có ý khi cái kia…Cái sự tôn trọng luôn luôn đi cặp với sự Khinh khi.
Kẻ siêu nhiên thánh trí không tôn ai, nên [cũng] không khinh ai. Bởi không phân Nhĩ Ngã, nên không phần giai cấp, biết rằng dẫu có đứng vào vị trí nào, cũng có cái nghĩa tôn trọng đối với toàn thể. Thế nên, dầu nhỏ bực nào họ cũng không xem là thường, mà lớn bao nhiêu họ cũng không cho là trọng…Họ không tôn sùng thờ phụng ai, mà cũng không chê bai rẻ thị ai.
Sự thương ấy cũng như mùi hương của đóa hoa, nó cứ phảng phất ra hoài…không vì ai mà nở, cũng không nhớ ai mà nở. [không còn tư tâm]
Kẻ không còn bản ngã thì hành động vô vi, không vì Lợi, chẳng vì Danh, dầu không biết Hiếu là sao, Trung là sao, nhưng không hề bao giờ có loạn, vì kẻ đã diệt tư tâm, coi người là mình, mình là người, ắt không hề khi nào có hại cho ai.
Đạo là sự Sống, cũng vừa là Tuyệt đối vừa là Tương đối… Kiêm được vừa Tuyệt đối vừa Tương đối, là được Toàn mãn vậy.
…nhưng muốn miêu tả được cái Ngộ của mình cho kẻ khác, ta phải dùng đến Lý Trí mới được. Trách vị của Lý trí là để giúp Trực giác phô diễn lại những điều ngộ cảm của tâm linh…
“Bản ngã, chẳng phải là một thực vật, nó chẳng qua là một cái hiện chứng của sự nội biến bất hòa trong tâm ta mà thôi” (Krishnamurti)
Kẻ Vô ngã không còn gọi cái chi là đức tính, cũng không còn gọi cái chi là nết xấu.
Thế thì, Bản ngã là một điều rất cần yếu vì con người muốn Toàn thiện trước phải trải qua chỗ cực điểm của nó, nhưng nếu tới lúc quá độ rồi, thì nó sẽ thành ra điều trở ngại cho sự giải thoát của ta.
Không! Diệt bản ngã ở đây là diệt cái ảo vọng rằng ta là riêng với Vũ Trụ Vạn Vật, và làm cho hành vi ta lúc nào cũng không còn chỗ tư tâm lợi kỷ…chớ không phải diệt, dường như bản ngã là một vật thực có vậy…”Tìm chân lý, mà lo diệt tình dục chẳng khác nào vừa chặt đứt gốc rễ của cây, vừa ao ước nó trổ bông, đơm trái vậy” (JK)
Xã hội hiện thời sở dĩ rối loạn là do nơi chúng ta lầm lạc về sự đem cá nhân chủ nghĩa xen vào chỗ không nên xen vào.
Saigon, 09/05/2023