(Bản dịch & chú giải của Bùi Văn Nam Sơn, 2006)
LNV: viên đá đỉnh vòm của toà nhà triết học Kant, năng lực phán đoán, kết nối giữa lý thuyết & thực hành, tự nhiên & tự do – thống nhất và hoà hợp do năng lực này.
Quyển cuối trong bộ 3 Phê Phán của Kant, khó đọc hơn, nhưng càng về sau càng hay, giải quyết 1 trong những câu hỏi hóc búa nhất: vậy Tự Nhiên có mục đích gì không? Mục đích của con người là gì? Vấn đề của Hữu Thể tối cao (hay là Thượng Đế)?
Và những nhận định rất hay về cái đẹp, sự vui sướng, hài lòng, thoả mãn, hay hạnh phúc – liệu có 1 cái đẹp phổ biến, toàn trị hay không?
Và phân biệt giữa cái đẹp chủ quan, khách quan như thế nào – làm sao một người mù có thể biết và cảm nhận được rằng 1 bức tranh là đẹp?
Đâu là điểm chung về cái Đẹp, hay nhận thức về cái Đẹp, giữa muôn người, bất chấp địa vị – văn hoá – kiến thức, có hay không?
Sự đào luyện về văn hoá của con người có phải là mục đích tối hậu hay là 1 con đường phải đi của con người?
Con người như là động vật hữu lý duy nhất có mục đích tự thân, vừa là nguyên nhân tự khởi, vừa là kết quả của nguyên nhân đó.
— Một vài trích dẫn —
Tự nhiên vẫn tồn tại mà không cần đến việc ta phán đoán nó là hợp mục đích hay không…đối tượng khách quan vẫn tồn tại nhưng không tồn tại như cái gì có ý nghĩa cho ta.
Ta xem một đối tượng là đẹp khi “tự bản thân nó” làm hài lòng ta chứ không xét đến khái niệm khách quan hay dựa vào các cảm giác dễ chịu hay tốt (về luân lý).
Ai phán đoán nó theo tiêu chuẩn của việc chiếm hữu hay sử dụng, thì tức là phán đoán nó dựa theo một nhu cầu chứ không còn vì bản thân nó.
Đẹp là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực hình thức này được nhận ra nơi đối tượng mà không hình dung nên một mục đích nào hết.
Khác với những đối tượng thẩm mỹ, việc phán đoán những tiến trình hữu cơ như là “hợp mục đích” là có tính khách quan chứ không phải chủ quan, là hiện thực chứ không phải đơn thuần trí tuệ, và sau cùng là có tính nội tại nơi đối tượng chứ không phải ngoại tại.
Để bảo rằng đối tượng là đẹp và chứng tỏ rằng tôi có sở thích, tất cả vấn đề là ở chỗ những gì tôi tạo ra ở bên trong tôi từ biểu tượng ấy chứ không phải ở chỗ tôi phụ thuộc vào sự hiện hữu của đối tượng.
Hạnh Phúc với tất cả sự đầy đủ của tiện nghi, còn xa mới là một cái Tốt (cái Thiện) vô điều kiện.
Dễ chịu là cái gì làm ta thích khoái; đẹp là cái gì chỉ đơn thuần làm ta hài lòng; còn tốt là cái gì được quý trọng, thừa nhận, tức, cái gì được ta đặt vào đó một giá trị khách quan.
Chỉ có sự ái mộ là sự hài lòng duy nhất có tính tự do. (trong: xu hướng, ái mộ, tôn kính)
Sở thích là quan năng phán đoán về một đối tượng hay về một phương cách biểu tượng bằng một sự hài lòng hay không hài lòng mà không có bất kỳ sự quan tâm nào. Đối tượng của một sự hài lòng như vậy gọi là ĐẸP.
ĐẸP là cái gì làm ta hài lòng một cách phổ biến, độc lập với khái niệm.
Sự vui sướng với cái ĐẸP không phải là sự vui sướng với các thuộc tính nhất định của đối tượng mà là sự vui sướng trước trạng thái hài hoà của năng lực nhận thức của chính ta.
Tính hợp mục đích khách quan bên ngoài là tính hữu ích, còn tính hợp mục đích khách quan bên trong là tính hoàn hảo của đối tượng.
Vẻ đẹp là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích [khách quan] nơi đối tượng.
ĐẸP là cái gì được nhận thức như là đối tượng của một sự hài lòng TẤT YẾU, nhưng độc lập với khái niệm.
Đối với cái đẹp của tự nhiên, ta phải tìm một cơ sở [nguyên nhân] ở bên ngoài ta, còn đối với cái CAO CẢ thì chỉ đơn thuần ở trong ta và trong lề lối tư duy của tâm thức đưa tính cao cả vào trong hình dung của ta về tự nhiên.
Tính CAO CẢ đích thực phải được đi tìm ở trong tâm thức của chủ thể phán đoán, chứ không phải ở nơi đối tượng tự nhiên.
Tự nhiên cũng tiêu biến thành bé mọn vô nghĩa trước các ý niệm của lý tính, một khi trí tưởng tượng muốn ra sức mang lại một sự diễn tả tương ứng với các Ý Niệm này.
Sự TÔN KÍNH là xúc cảm về nỗi bất lực của ta trong việc đạt đến được một Ý niệm [của lý tính], khi Ý niệm ấy là quy luật đối với ta.
Mê tín = khiếp sợ, lo sợ, nhưng không kính trọng. Từ thái độ mê tín thực sự không thể nảy sinh được điều gì ngoài sự van nài phước lộc và sự siểm nịnh, thay vì một nền tôn giáo được thể hiện trong đời sống thiện hảo.
CAO CẢ là cái gì làm hài lòng một cách trực tiếp thông qua sự đề kháng của nó chống lại sự quan tâm của giác quan.
Những kích động thì sôi nổi và không có dự mưu, còn những đam mê thì lâu bền và có tính toán, cho nên sự bất bình thể hiện bằng giận dữ là một sự kích động, còn thể hiện như sự thù ghét (khao khát trả thù) là một đam mê. Đam mê, trong mọi trường hợp, không bao giờ được gọi là cao cả, vì trong sự kích động, sự tự do của tâm thức bị kìm hãm, còn trong sự đam mê, sự tự do bị triệt tiêu.
Suy nghĩ bằng cái đầu của mình [giác tính]
Suy nghĩ từ vị trí hay quan điểm của người khác [năng lực phán đoán]
Suy nghĩ nhất quán với chính mình. [lý tính]
Tôi khẳng định rằng một sự quan tâm trực tiếp đến cái đẹp trong tự nhiên bao giờ cũng là một dấu hiệu của một tâm hồn đẹp [lương thiện]
Sở dĩ người mù có thể hiểu được phán đoán của tôi về bức tranh đẹp vì người ấy biết rằng tôi không nói đến những thuộc tính cụ thể của đối tượng mà biểu lộ trạng thái tình cảm của tôi thôi.
Phán đoán thẩm mỹ là độc lập với đánh giá về luân lý. Đó là vấn đề thuộc về nguyên tắc.
Một vẻ đẹp của Tự Nhiên là một sự vật đẹp;
Còn vẻ đẹp Nghệ Thuật là một hình dung [hay biểu tượng] đẹp về một sự vật.
Không phải cứ làm những gì ĐÚNG là ĐỦ mà còn phải làm điều đúng chỉ từ lý do duy nhất là vì nó đúng.
Ta trải nghiệm được sự thích khoái là khi ta có thể đến được với cơ thể thông qua tâm hồn và có thể dùng tâm hồn làm người thầy thuốc điều trị cho cơ thể.
Một sự vật tồn tại như là mục đích tự nhiên khi nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của chính nó.
Không có điều gì là không có tính hợp mục đích đối với cái Toàn bộ.
Phải chăng mục đích của Tự Nhiên được ta suy tưởng cho sự sản sinh ra sự vật là hữu ý hay vô ý cũng chỉ có thể mang lại những phán đoán (nghi vấn) về đối tượng, tức không biết phải khẳng định hay phủ nhận chúng; và ta không hề biết ta đang phán đoán về một điều gì hay chẳng về một điều gì cả.
Vậy, rốt cục, môn Mục đích luận hoàn chỉnh nhất chứng minh điều gì? Phải chăng nó chứng minh rằng có sự hiện hữu của một Hữu thể có trí tuệ? Không! Nó chỉ chứng minh rằng, dựa theo đặc tính cấu tạo của các quan năng nhận thức của ta và trong việc nối kết chặt chẽ của kinh nghiệm với các nguyên tắc tối cao của lý tính, ta tuyệt đối không thể hình thành một khái niệm nào về khả thể của một thế giới như thế ngoài việc suy tưởng về một nguyên nhân tối cao của thế giới hành động một cách hữu ý.
Khái niệm về một Hữu thể tuyệt đối tất yếu quả là một Ý niệm thiết yếu, không thể thiếu được của lý tính, nhưng vẫn là một khái niệm nghi vấn mà giác tính con người không bao giờ có thể đạt tới được.
Xét về sự quy định hay vận mệnh của con người, con người quả là mục đích tối hậu của Tự Nhiên. Nhưng, với điều kiện là con người có ý thức về điều đó và có ý chí để mang lại cho tự nhiên và cho chính mình một mối quan hệ mục đích như thế, tức là mối quan hệ có thể tự túc tự mãn, độc lập với Tự nhiên và, do đó, có thể là mục đích tự thân, song đó lại là một điều tuyệt nhiên không được phép đi tìm ở bên trong bản thân Tự nhiên.
Điều kiện hình thức để chỉ nhờ đó tự nhiên mới đạt được ý đồ tối hậu này của chính mình [bản thân tự nhiên] chính là việc sắp xếp các mối quan hệ giữa con người với nhau, sao cho pháp quyền trong một cái toàn bộ – mà ta gọi là xã hội dân sự – đối lập lại sự lạm dụng của các quyền tự do đang xung đột nhau; và, chỉ trong một xã hội như thế, sự phát triển tối đa những tố chất tự nhiên mới diễn ra được.
Về con người (và về bất kỳ hữu thế có lý tính nào ở trong thế giới) với tư cách là một hữu thể luân lý, ta không còn tiếp tục đặt câu hỏi: hữu thể ấy hiện hữu để làm gì? (latin: quem in finem). Sự hiện hữu của con người có bản thân mục đích tối cao ở trong chính mình.
Chỉ có trong con người, và chỉ trong con người với tư cách là chủ thể của luân lý, ta mới bắt gặp sự ban bố quy luật vô điều kiện đối với các mục đích, vì thế, chỉ có sự ban bố quy luật này mới làm cho con người có năng lực trở thành một mục đích tự thân mà toàn bộ tự nhiên phải phục tùng theo nghĩa mục đích luận.
Hạnh phúc chỉ có thể là một mục đích có điều kiện…hạnh phúc chỉ liên kết với mục đích tự thân như là một kết quả, tùy theo mức độ của sự hài hòa giữa con người với mục đích tự thân ấy, như là với mục đích của chính sự hiện hữu của con người.
Chính Thiện Ý mới là cái duy nhất làm cho sự hiện hữu của con người có thể có được một giá trị tuyệt đối, và, trong quan hệ với Thiện ý, sự hiện hữu của thế giới mới có thể có được một mục đích tự thân.
Chỉ với tư cách là một hữu thể luân lý, con người mới có thể là một mục đích tự thân của sự Sáng tạo.
Chính sự sợ hãi thoạt tiên đã tạo ra những quỷ thần, còn chính lý tính – nhờ vào các nguyên tắc luân lý của nó – mới lần đầu tiên có thể hình thành nên khái niệm về Thượng đế.
Quy luật luân lý – như là điều kiện mô thức của lý tính trong việc sử dụng sự Tự do của ta – tự nó ràng buộc ta mà không phụ thuộc vào bất kỳ một mục đích nào xét như điều kiện chất liệu; song nó lại quy định cho ta, và quy định một các tiên nghiệm, một mục đích tự thân buộc ta phải nỗ lực vươn tới; và mục đích này là cái Thiện tối cao trong thế giới có thể có được thông qua sự Tự do.